Cảnh báo nguy cơ cháy “nhà ống”
Theo chuyên gia phòng cháy chữa cháy, nhà có hình dạng “nhà ống”, “nhà hộp” thường chỉ có một cửa, khi xảy ra hỏa hoạn người trong nhà sẽ rất khó thoát ra ngoài.
Đáng nói, hầu như người dân vẫn chưa tính tới phương án thoát hiểm cụ thể ra sao cho gia đình họ.
“Không nghĩ nhà sẽ cháy…”
Đó là tâm lý chung của nhiều người dân khi được hỏi về phương án thoát hiểm cụ thể cho gia đình trong trường hợp nhà họ xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ. Bà Phượng – chủ tiệm giày ở đường Lý Chính Thắng (P.7, Q.3) – cho biết bà thuê tầng trệt căn nhà để kinh doanh.
Trong gian hàng, giày dép chất đầy trên kệ, treo lủng lẳng gần kín mặt trước của tiệm, chỉ chừa lại lối đi nhỏ xíu.
“Nghe cháy nổ tui cũng sợ. Đâu phải chỉ riêng tiệm mình, khu này mà cháy không biết sẽ ra sao” – bà Phượng lo lắng. Với gian hàng đầy hàng hóa, có cửa hông nhưng bà bít kín lại thì phương án thoát hiểm được bà chủ tiệm đưa ra là: “Cứ cửa chính mà lao ra!”.
Bà Phan Thị Quy (60 tuổi) tự nhận mình lớn tuổi nhưng kiến thức về thoát hiểm khi hỏa hoạn thì không biết rõ. Căn nhà lầu của bà (đường Chiến Thắng, P.9, Q.Phú Nhuận) cũng chỉ có một cửa chính và không có lối thoát hiểm.
“Mỗi lầu đều có hai cửa sổ: một cửa để thoát ra ban công và một cửa có thể nhảy xuống mái tôn nhà lân cận nếu hỏa hoạn” – bà Quy tính toán.
Thế nhưng bà vẫn chưa rõ từ cửa sổ thoát xuống mặt đất hay mái tôn nhà hàng xóm bằng cách nào vì nhà bà không có thang tre, thang dây, búa đập kính… “Tụi tui chưa bao giờ bàn bạc với nhau nếu có sự cố sẽ thoát ra ở đâu, bằng cách nào” – bà Quy cho biết.
Không dùng nhà ở để buôn bán
TP.HCM có nhiều nhà hàng karaoke, quán cà phê… vốn là nhà ở (nhà phố, nhà ống) để kinh doanh điểm giải trí…
Ông Nguyễn Văn Thống, quản lý quán karaoke HP trên đường Phạm Hùng (Q.8), cho biết quán karaoke của ông thuê nguyên căn nhà của một hộ dân, ngăn làm tám phòng.
Khi mở quán, bên phòng cháy chữa cháy (PCCC) có yêu cầu trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết đề phòng khi xảy ra cháy, đồng thời có hướng dẫn phương án, kỹ thuật chữa cháy cho một số nhân viên bảo vệ làm việc trong quán. Do liên tục thay đổi nhân sự nên hiện nay chỉ một vài bảo vệ của quán biết cách chữa cháy.
Khi hỏi quán có phương án hướng dẫn khách thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn không, ông Thống khẳng định: “Căn nhà này được đúc bằng bêtông dễ gì xảy ra cháy lớn. Cần gì phải tính chuyện thoát hiểm”.
Tương tự, ông Việt, nhân viên bảo vệ của một công ty chuyên cung cấp đồ gia dụng ở đường Nguyễn Thị Tú (Q.Bình Tân), cũng nói mặt bằng làm nơi chứa hàng hóa của công ty thuê lại căn nhà đang ở của một hộ dân. Chủ công ty nghiêm cấm nhân viên hút thuốc, nấu ăn…
Theo ông Việt: “Nếu có cháy tôi sẽ gọi cứu hỏa, ở đây hàng hóa nhiều, chỉ có hai bảo vệ nên cũng chẳng làm được gì”.
Theo thượng tá Huỳnh Ngọc Quan – trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy của Cảnh sát PCCC TP.HCM, thiết kế nhà ở gia đình không phù hợp để sử dụng làm những điểm kinh doanh, giải trí.
Đa số người dân hay sử dụng chính ngôi nhà mình đang ở để buôn bán hoặc cho thuê kinh doanh là vi phạm Luật nhà ở, không an toàn về phòng chống cháy nổ.
Cách thoát hiểm: Theo thượng tá Huỳnh Ngọc Quan, nhà dạng “nhà ống” (nhà phố) chỉ có duy nhất lối thoát nạn ở tầng trệt là khá phổ biến. Loại nhà này chỉ có một cửa thoát hiểm nhưng người dân thường làm hai lớp cửa (cửa cuốn, cửa sắt bên trong). Do vậy, người dân phải có phương án thoát hiểm như tạo ban công trống để có thể dùng thang dây tuột xuống đất hoặc sân thượng phải có lối chạy sang nhà bên khi có hỏa hoạn. Các chủ nhà phải trao đổi với nhau để thỏa thuận lối qua nhà bên cạnh một cách thuận lợi. Ngoài ra, người dân cần trang bị mặt nạ chống khói, các loại thang dây, thang móc để thoát từ tầng trên xuống tầng dưới. Trong nhà cũng nên có búa, kềm cộng lực để phá tường, cắt khung sắt tạo lối thoát hiểm khi xảy ra cháy. Thượng tá Quan cho biết số vụ cháy về đêm đều có người tử vong do chết ngạt trong lúc ngủ say. Nhằm tránh tình trạng này, người dân nên trang bị hệ thống báo cháy tự động tại chỗ, nếu có điều kiện thì nên gắn hệ thống báo cháy tự động kết nối với trung tâm chỉ huy chữa cháy đặt tại Cảnh sát PCCC TP.HCM. Hệ thống là công cụ hữu ích giúp chủ nhà kịp thời thoát nạn hoặc báo cháy kịp thời về trung tâm chỉ huy chữa cháy. Thượng tá Quan còn hướng dẫn khi có cháy khói luôn bay lên cao, nên người trong nhà cần cúi thấp xuống mới có không khí để thở. Muốn chạy qua vùng có lửa thì dùng khăn ướt, chăn, mền ướt quấn quanh người. |