Cứu hộ cắt ngắn cọc bêtông dài 35 m để kéo lên

Thay vì nhổ nguyên trụ bêtông dài 35 m, lực lượng cứu hộ sẽ cắt ngắn thành ba đoạn kéo lên, tìm thi thể bé trai 10 tuổi kẹt 5 ngày qua.

Sáng 5/1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết lực lượng cứu hộ đang tập trung sử dụng thiết bị, phương tiện để đưa đoạn đầu tiên của cọc bêtông khỏi mặt đất. Khối bêtông chôn xuống đất được nối từ 3 đoạn dùng làm mố cầu Rọc Sen, ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, thi công cách đây 6 tháng.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Hoàng Nam

Theo ông Bửu, trở ngại địa chất ở phần đất sâu nên các lực lượng đang hội ý các chuyên gia để có giải pháp phù hợp thực tế. Tối qua, sau khi phương án khoan để giảm lực ma sát quanh trụ bêtông không thành, đội cứu hộ đưa thiết bị vào trong cọc để trục vớt thi thể nhưng không hiệu quả.

“Khi thiết bị được thả xuống độ sâu 30 m của cọc bêtông phát hiện khối đất nghi cháu bé bên trong, nhưng khối đất đá nặng, nén quá chặt nên chưa đưa lên được”, ông Bửu nói và cho biết sau khi kéo đoạn ống đầu tiên sẽ tiếp cận đoạn tiếp theo. Sáng nay, lực lượng cứu hộ vẫn giữ nguyên ca, kíp liên tục thi công, phối hợp đưa thiết bị xuống lòng ống.

Tối qua, tỉnh Đồng Tháp thông tin em Thái Lý Hạo Nam – nạn nhân mắc kẹt trong cọc bêtông đã tử vong sau khi liên ngành pháp y, y tế và chính quyền địa phương hội chẩn dựa trên kết quả điều tra, thu thập. Trưa 31/12/2022, Nam cùng bạn vào dự án cầu nhặt sắt vụn, bị tai nạn, kẹt sâu trong lòng đất từ đó đến nay.

Công an canh giữ hiện trường xảy ra tai nạn, tối 4/1. Ảnh: Ngọc Tài

Cảnh sát cứu hộ, cứu nạn tỉnh Đồng Tháp phối hợp Quân khu 9 và nhiều lực lượng đã điều các thiết bị chuyên dụng đến đào bới, tìm kiếm nạn nhân. Do trụ bêtông cắm sâu, tiết diện nhỏ, nhân viên cứu hộ không thể chui lọt. Chính quyền tỉnh nhìn nhận, việc thiếu kinh nghiệm, hạn chế máy móc, nhân lực khiến công tác cứu hộ nạn nhân gặp khó khăn, kéo dài.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bêtông nói việc nhổ trụ bêtông lên khó gấp nhiều lần so với khi đóng. Ví dụ khi đưa xuống, nhà thầu chỉ cần lực 50 tấn, nhưng nhổ lên cần lực gấp 4-5 lần. Hiện, trong nước và thế giới chưa có đơn vị nào chế tạo thiết bị chuyên dụng rút cọc bêtông do trụ đã đóng ít phải kéo lên.

Cọc bêtông sẽ được cắt ngắn ba đoạn để kéo lên. Đồ họa: Khánh Hoàng

Theo: https://vnexpress.net/cuu-ho-cat-ngan-coc-betong-dai-35-m-de-keo-len-4556508.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *